Bạn biết gì về ngọc phỉ thúy?

Lịch sử đam mê ngọc của người Trung Quốc có 8.000 năm trước, khi “văn hóa ngọc” của thời đại đồ đá mới giống như một linh thần Đông phương không ngừng luân hồi chuyển thế và kéo dài đến thế kỷ XXI. Ngày nay, ngọc vẫn được người ta xem như một kết tinh thần khí của trời đất, là vật nối kết giữa người ở trần gian với người ở thế giới khác trong tinh thần phương Đông.

Có sự phân biệt giữa ngọc mềm và ngọc cứng và ngọc phỉ thúy chính là đại diện nổi bật nhất của loại ngọc cứng, vốn có giá cao nhất trong các cuộc đấu giá bảo vật. Mối liên hệ linh tính giữa ngọc phỉ thúy và người đeo nó càng khiến cho người ta có niềm tin sâu đậm hơn vào báu vật này.

Có tích sử kể rằng Từ Hy Thái Hậu với sự đam mê cuồng nhiệt dành cho châu báu đã mang được ngọc phỉ thúy từ Myanmar về Trung Quốc.

Sau đó, đã có thời những viên ngọc luôn được các vị đại thần mang theo bên mình giá trị lên đến hơn một vạn lượng vàng. Cách đây không lâu, một sợi dây chuyền nạm ngọc phỉ thúy được treo giá lên đến 120 triệu nhân dân tệ (hơn 300 tỉ đồng) chứng tỏ người Trung Quốc rất mê tín ngọc phỉ thúy.

Nguồn gốc

Giữa vạn vật thường tồn tại sự nối kết đan xéo nhau, cái tên “phỉ thúy” có nguồn gốc từ miền Tây ẩm ướt của tỉnh Vân Nam hơn ngàn năm trước.

Trong những khu rừng rậm huyền bí nơi đó, từng xuất hiện một loài chim có sắc màu lông vô cùng bắt mắt: nhìn chính diện thấy màu xanh biếc, nhìn nghiêng thấy màu đỏ tím. Những cổ nhân xưa yêu thích thi họa thường gọi màu đỏ là phỉ, màu xanh là thúy, chính vì vậy chữ “phỉ thúy” trong quá khứ là tên của một loài chim nhỏ bé sống trong rừng.

Cho đến một ngày vào đầu thế kỷ XVIII, một loại ngọc đầy linh thiêng từ Myanmar du nhập vào tỉnh Vân Nam và chính thức được truyền bá tại Trung Quốc. Loại ngọc này có sắc màu khiến bao người chiêm ngưỡng nó phải trầm trồ kinh ngạc vì thuần khiết như màu lông của chim phỉ thúy vậy.

Từ ngày đầu tiên được ngắm nghía loại ngọc đầy sức mê hoặc này, mọi người đã quên đi vẻ đẹp của loài chim phỉ thúy, mà lại còn đem cái tên ấy gửi gắm lên loại ngọc tuyệt đẹp được lưu truyền cho đến tận ngày nay.

Kho tàng hiếm có ở Myanmar

Những khoáng vật quý hiếm được thường phân bố ở các vùng khác nhau trên thế giới. Người ta cho rằng chúng hút được tinh khí của đất trời nơi ấy để hình thành được những phẩm chất và sắc màu lạ lùng khác nhau.

Trên bản đồ khoáng sản quý hiếm của thế giới, ngọc phỉ thúy xuất hiện lại lưu vực sông Vụ Lộ thuộc nhánh sông Irrawaddy – con sông lớn nhất Myanmar.

Ngọc phỉ thúy nằm trong một khu vực sông dài 150km, với độ rộng 30km. Sự cấu thành nên loại ngọc này nằm trong điều kiện rất đặc biệt là nhiệt độ xuống rất thấp và áp lực lên Trái đất cũng rất mạnh và cách đây cả trăm triệu năm.

So với những loại bảo thạch khác, nguồn ngọc phỉ thúy rất ít ỏi và hiếm hoi, vì thế loại ngọc ấy của Myanmar thuộc loại châu báu vô giá, đồng thời tạo lập nên một biểu tượng riêng của phương Đông.

Kể từ cuối thế kỷ XIX, việc khai thác ngọc phỉ thúy đã quá mức, lưu vực sông Vụ Lộ bị đào bới ngổn ngang. Có thời gian, mỗi năm nước này xuất khẩu khoảng 1.000 tấn nguyên thạch phỉ thúy, nhưng giờ đây chỉ còn tối đa là 300 tấn.

Tháng 10/2008, một cuộc buôn bán phỉ thúy quy mô lớn đã diễn ra nhưng tổng cộng chỉ có 2.000 viên phỉ thúy, khiến hơn 7.000 nhà đầu tư đến tham gia đấu giá đã đẩy giá loại ngọc này lên rất cao, đến mức khó ngờ.

Giá trời còn được thêm giá

Nếu vô tình khi đang đọc bài viết này, mà bạn thấy trên ngón tay ai đang có một chiếc nhẫn sắc chính màu dương hay trên cổ tay có chiếc vòng ngọc cùng màu thì thử hỏi đó có phải là ngọc phỉ thúy hay không.

Người trong nghề buôn ngọc chỉ cần nhìn lướt qua cũng đủ, chiếc nhẫn ấy có giá trị bằng một chiếc xe đua mui trần cao cấp SLK, còn chiếc vòng đủ sức đổi lấy một ngôi biệt thự sang trọng với hoa viên và hồ bơi rộng lớn.

Nhưng có một điều ít ai biết rằng, một viên ngọc phỉ thúy như thế đã gánh vác lên mình biết bao hạnh phúc của nhiều gia đình, đồng thời cả sự tan gia bại sản và sinh mệnh của những gia đình khác.

Không có một viên ngọc phỉ thúy hoàn mỹ nào là “trong sáng” hết, thậm chí viên ngọc phỉ thúy nào càng hoàn mỹ thì càng mang một dấu ấn quá khứ đủ khiến người nghe xót xa.

Trong nguyên thạch chứa ngọc phỉ thúy có nhiều lớp đá bao bọc bên ngoài, người mua cần phải dựa vào kinh nghiệm, mắt nhìn để phát đoán giá trị của ngọc bên trong. Nói chung, trước khi nguyên thạch được cắt ra, không ai dám tự tin mình phán đoán đúng. Bước khảo nghiệm bằng mắt pha yếu tố “đón lõng” ấy được gọi là độ thạch.

Độ thạch được chia thành độ một nửa và độ toàn phần. Một số nguyên thạch phỉ thúy qua lớp đá bên ngoài có thể nhìn thấy được phần đá bên trong, nhưng nhiều loại chỉ thấy một màu đen xì, hoàn toàn không rõ được bên trong có gì.

Độ một nửa là khi nguyên thạch phỉ thúy được đưa ra đấu giá, bên bán sẽ mở một lớp mỏng, qua lớp này, người ta nhìn vào bên trong lớp vỏ đen để đoán xem có ngọc phỉ thúy lớn bao nhiêu và màu đại khái của nó.

Độ toàn phần là khi chỉ dựa vào lớp vỏ ngoài của nguyên thạch để phán đoán phần bên trong. Một viên nguyên thạch phỉ thúy có thể mở giá từ 100 ngàn đến một triệu nhân dân tệ (khoảng từ 280 triệu đến 2,8 tỉ đồng).

Nếu mua đúng nguyên thạch, có thể sau một đêm, nhà đầu tư sẽ trở thành tỉ phú, còn nếu phán đoán sai thì cũng sau một đêm, người ấy ra về với hai bàn tay trắng vì một viên đá không có giá trị gì.

Đối diện với lợi ích và rủi ro to lớn như vậy, giữa chúng là những trận “mưa máu” không thể tránh khỏi. Rất nhiều người làm nghề buôn ngọc sau một lần hoặc nhiều lần thất bại đã phải bán nhà đất, bán tất cả gia sản.

Có những người vẫn nuôi mộng chơi ván bài ngửa, nhưng không ít người chịu đựng không nổi sự thua đau đã kết thúc cuộc đời. Vô hình trung, độ thạch trở thành một bước vô cùng quan trọng làm tăng thêm mức thần bí và giá trị không thể so sánh được của ngọc phỉ thúy.

Lỗi liquid: Không thể biến đổi String thành input có kiểu String Lỗi liquid: Không thể biến đổi String thành input có kiểu String
Gửi bình luận của bạn: